Như chúng ta biết, con người chúng ta không thể sống được
nếu thiếu không khí. Ta có thể nhịn ăn, nhịn uống nhưng không thể nhịn thở.
Trong không khí thì O2 là khí duy trì sự sống và chiếm khoảng 20% thể tích
không khí. Quá trình thở hay hô hấp là quá trình tự nhiên và cực kỳ cần thiết
đối với một cơ thể sống. Như vậy, chất lượng không khí sẽ quyết định đến sức
khoẻ con người. Sự phát triển của loài người đã đưa vào không khí chúng ta sống
một lượng khí độc, mà hiện nay tại nhiều khu vực, chúng vượt ngưỡng cho phép.
Trong bài, này chúng tôi muốn trình bày tác động của một số khí độc đến cơ thể
con người, nguồn phát sinh cũng như phương pháp phòng tránh.
1. Các khí VOCs(Cacbon hữu cơ dễ bay hơi):
- Tác hại: VOCs là tên gọi chung các chất lỏng hay chất rắn có chứa cacbon
hữu cơ rất
dễ bay hơi, một số chất thông dụng như axeton, ethylaxetat,
buthylaxetat… Chúng ít gây độc mãn tính mà chủ yếu gây độc cấp tính như chóng
mặt, say nôn, sưng mắt, co giật, ngạt, viêm phổi. Chỉ một số ít chất có khả
năng gây độc mãn tính thì lại tạo ra ung thư máu, bệnh thần kinh.
- Nguồn phát sinh: VOCs phát sinh do đốt không triệt để xăng dầu, các dung môi
tự bay hơi, bay hơi của xăng dầu, bay hơi từ các hoá chất rơi vãi. Cây xanh khi
thở vào ban đêm cũng phát thải VOCs. VOCs có thể bay hơi từ sơn.
Nhìn chung, xăng dầu và sơn là hai thứ phát xả VOCs nhiều nhất.
- Phòng tránh: Nhà ở không được gần cây xăng (theo qui định, cây xăng phải cách
nhà dân ít nhất 500 m). Hạn chế làm công việc sơn trong không gian khép kín.
Nhà cửa mới sơn xong không được ở ngay.
2. Benzen (C6H6):
- Tác hại: Benzen là một chất lỏng dễ bay hơi, khi hỗn hợp với không khí có
thể gây nổ. Benzen xâm nhập vào cơ thể người qua da (tiếp xúc trực tiếp) và qua
phổi. Khi xâm nhập, chừng 75-90% được cơ thể thải ra trong vòng nửa giờ; phần
còn lại tích luỹ trong mỡ, tuỷ xương, não, sau đó được bài tiết rất chậm ra
ngoài. Phần Benzen tích luỹ sau này có thể gây các biểu hiện sinh lý: gây ra sự
tăng tạm thời của bạch cầu; gây rối loạn ôxy hoá - khử của tế bào dẫn đến tình
trạng xuất huyết bên trong cơ thể; nếu hấp thụ nhiều Benzen trong cơ thể sẽ bị
nhiễm độc cấp với các hội chứng khó chịu, đau đầu, nôn, có thể tử vong vì suy
hô hấp.
Nếu thường xuyên tiếp xúc với Benzen có thể gây độc mãn tính; lúc đầu là rối
loạn tiêu hoá, ăn kém ngon, xung huyết niêm mạc miệng, rối loạn thần kinh, đau
đầu, chuột rút, cảm giác kiến bò, thiếu máu nhẹ, xuất huyết trong, phụ nữ hay
bị rong kinh, khó thở do thiếu máu; tiếp theo là xuất huyết trong nặng, thiếu
máu nặng, giảm bạch cầu và cả hồng cầu; phụ nữ đẻ non hoặc sẩy thai. Đây là
bệnh nguy hiểm vì Benzen có thể tích luỹ lâu dài trong tuỷ xương, có thể sau
hai năm mới phát bệnh kể từ khi nhiễm Benzen.
- Nguồn phát sinh: Benzen được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp sản xuất các
chất hữu cơ; dùng làm dung môi hoà tan mỡ, cao su, vecni; tẩy xương, da, sợi,
vải len dạ; lau khô, tẩy dầu mỡ bám trên các dụng cụ, vật liệu.
- Phòng tránh: Năm 1997, Chính phủ nước ta đã ban hành Quyết định cấm dùng
Benzen làm dung môi pha sơn. Những ngành khác sử dụng Benzen thì phải có giấy
phép của cơ quan có thẩm quyền và bị hạn chế nghiêm ngặt. Điều này cho thấy
Benzen cực kỳ độc hại. Người sử dụng hãy cảnh giác với các sản phẩm sơn, nhất là
sơn được sản xuất bằng công nghệ lạc hậu. Chất thải từ các nhà máy thuộc da,
dệt nhuộm, cơ khí cũng có nhiều khả năng chứa Benzen.
3. Toluen (C6H5CH3):
- Tác hại: Toluen là chất dễ bay hơi, dễ cháy nổ. Chỉ cần một nồng độ nhỏ
1/1000, toluen đã gây cảm giác mất thăng bằng, loạng choạng, đau đầu; nếu nồng
độ cao hơn có thể làm nạn nhân có ảo giác hoặc ngất xỉu.
- Nguồn phát sinh: Toluen có trong sơn, nhựa, keo dán và là chất xúc tác trong
công nghệ ảnh.
- Phòng tránh: Khi sử dụng sơn, nhựa, keo dán cần tạo không gian thông thoáng,
tránh đóng kín cửa phòng. Trường hợp có thể, tránh lạm dụng sơn và đồ nhựa.
4. Khí CO (cacbonoxit):
- Tác hại: Khi hít phải, CO sẽ đi vào máu, chúng phản ứng với Hemoglobin
(có trong hồng cầu) thành một cấu trúc bền vững nhưng không có khả năng tải
ôxy, khiến cho cơ thể bị ngạt. Nếu lượng CO hít phải lớn, sẽ có cảm giác đau
đầu, chóng mặt, mệt mỏi.
Nếu
CO nhiều, có thể bất tỉnh hoặc
chết ngạt rất nhanh. Khi bị ôxy hoá, CO biến thành khí cacbonic (CO2). Khí CO2
cũng gây ngạt nhưng không độc bằng CO.
- Nguồn phát sinh:
Khí CO hình thành ở những nơi đốt than thiếu ôxy, như từ
khói thải của lò gạch nơi mà than cháy không triệt để, ống khói nhà máy nhiệt
điện dùng than đá, các nồi nấu nhựa đường, khí xả động cơ hay bếp than tổ
ong...
- Phòng tránh: Không xây lò gạch ngói thủ công trong khu dân cư; không đốt than
tổ ong ở những nơi chật hẹp không thông thoáng; không ở trong những căn nhà nằm
trong diện tích phủ khói của nhà máy nhiệt điện; không nổ động cơ xe máy, ô tô
trong nhà kín.
5. Nhiễm độc khí SO2 (lưuhuỳnh dioxit):
- Tác hại: Khí SO2 xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp hoặc hoà tan với
nước bọt, từ đó qua đường tiêu hoá để ngấm vào máu. SO2 có thể kết hợp với các
hạt nước nhỏ hoặc bụi ẩm để tạo thành các hạt axít H2SO4 nhỏ li ti, xâm nhập
qua phổi vào hệ thống bạch huyết. Trong máu, SO2 tham gia nhiều phản ứng hoá
học để làm giảm dự trữ kiềm trong máu gây rối loạn chuyển hoá đường và protêin,
gây thiếu vitamin B và C, tạo ra methemoglobine để chuyển Fe2+ (hoà tan) thành
Fe3+(kết tủa) gây tắc nghẽn mạch máu cũng như làm giảm khả năng vận chuyển ôxy
của hồng cầu, gây co hẹp dây thanh quản, khó thở.
- Nguồn phát sinh: SO2 phát sinh khi đốt mọi thứ nguyên liệu hàng ngày (than
đá, khí, gỗ và các chất hữu cơ khác như phân khô, rơm rác…). Khi nồng độ SO2
đạt đến 5 phần triệu thì các hội chứng bệnh lý ở người tiếp xúc bắt đầu xuất
hiện.
- Phòng tránh: Khu vực đun nấu cần thông thoáng và cải tiến bếp đun để có thể
cháy triệt để nhiên liệu. Đặc biệt lưu ý đến nơi cư trú thuộc khu vực chịu ảnh
hưởng của khói các nhà máy nhiệt điện dùng than đá hoặc dầu, khí, các lò gạch,
lò gốm thủ công. Những vùng chịu tác động của khói lò các cơ sở sản xuất này là
những nơi cư trú nguy hiểm.
6. Khí H2S (hidrosunfua):
- Tác hại: H2S có mùi trứng thối, dễ có thể nhận biết.
H2S là khí gây ngạtvì chúng tước đoạt ôxy rất mạnh; khi hít phải nạn nhân có thể bị ngạt, bị viêm
màng kết do H2S tác động vào mắt, bị các bệnh về phổi vì hệ thống hô hấp bị
kích thích mạnh do thiếu ôxy, có thể gây thở gấp và ngừng thở. H2S ở nồng độ
cao có thể gây tê liệt hô hấp và nạn nhân bị chết ngạt.
- Nguồn ô nhiễm: H2S xuất hiện do đốt cháy không hoàn toàn các nhiên liệu (than
đá, dầu...) chứa nhiều lưu huỳnh. H2S cũng bốc lên từ bùn ao, đầm thiếu ôxy (là
nguyên nhân làm cá chết ngạt).
- Phòng tránh: Vì mùi H2S rất dễ nhận ra (mùi trứng thối) nên dễ tránh. Không
nên cố kéo dài thời gian làm việc ở những nơi phát sinh ra nhiều H2S. Trong môi
trường nóng ẩm, H2S có thể bị ôxy hoá rồi kết hợp với nước thành axít H2SO4 gây
tác hại như SO2 nói trên.
7. Khí NOx (các oxit nitơ):
- Tác hại: Oxit nitơ có nhiều dạng, do nitơ có 5 hoá trị từ 1 đến 5. Do ôxy
hoá không hoàn toàn nên nhiều dạng oxit nitơ có hoá trị khác nhau hay đi cùng
nhau, được gọi chung là NOx. Có độc tính cao nhất là NO2 , khi chỉ tiếp xúc
trong vài phút với nồng độ NO2 trong không khí 5 phần triệu đã có thể gây ảnh
hưởng xấu đến phổi, tiếp xúc vài giờ với không khí có nồng độ NO2 khoảng 15-20
phần triệu có thể gây nguy hiểm cho phổi, tim, gan; nồng độ NO2 trong không khí
1% có thể gây tử vong trong vài phút.
NOx bị ôxy hoá dưới ánh sáng mặt trời có thể tạo khí Ôzôn gây chảy nước mắt và
mẩn ngứa da, NOx cũng góp phần gây bệnh hen, thậm chí ung thư phổi, làm hỏng
khí quản.
- Nguồn phát sinh: Khí NOx xuất hiện trong quá trình đốt cháy nguyên liệu trong
các động cơ đốt trong (khí xả của phương tiện giao thông...), trong công nghiệp
sản xuất axít HNO3 , quá trình hàn điện và quá trình phân huỷ nhựa celluloid.
- Phòng tránh: Các tuyến giao thông đông xe cộ là nguồn ô nhiễm quan trọng nhất
của NOx và kể cả nhiều loại khí độc hại đã kể trên. Kiểm soát khí xả động cơ và
không cư trú dọc theo các tuyến giao thông chính nhiều xe cơ giới là giải pháp
tốt nhất để tránh tác hại của NOx; đồng thời cũng cần tránh xa vùng xả khói của
nhà máy hoá chất. Cả ba điểm này rất khó thực hiện trong hoàn cảnh nước ta hiện
nay.
8. Khí Clo (Cl2):
- Tác hại: Khí Clo gây ngứa, ngạt thở, đau rát xương ức, ho, ngứa mắt và
miệng, chảy nước mắt, tiết nhiều nước bọt. Nếu bị nhiễm nặng có thể đau đầu,
đau thượng vị, nôn mửa, vàng da, thậm chí phù nề phổi.
- Nguồn phát sinh: Clo là thành phần không thể thiếu của các chất tẩy trắng
giấy và sợi, khử trùng hệ thống cấp nước, bể bơi, cống rãnh, bệnh viện
(cloramin). Khi trong nước có các chất hữu cơ, cloramin có thể kết hợp tạo ra
các hợp chất độc.
- Phòng tránh: Khí Clo có mùi hăng nồng dễ nhận biết. Nước sinh hoạt khử trùng
bằng Clo cần tính toán vừa đủ lượng Clo cần thiết, nếu dư thừa sẽ gây độc cho
người dùng. Nếu nước ăn có mùi Clo không nên sử dụng ngay, nên chứa ra dụng cụ
chứa nước và chờ hết mùi. Việc khử trùng cống rãnh, bể bơi cần thực hiện vào
thời điểm vắng người.
9. Nhiễm độc Flo (F2):
- Tác hại: Mặc dù Flo nguyên chất ở dạng khí, nhưng trong môi trường, Flo
thường kết hợp với các nguyên tố khác tạo thành hợp các hợp chất muối Florua.
Flo có ái lực cao với canxi nên thường tước đoạt canxi của cơ thể. Nếu nước ăn
giàu Flo, người dùng (nhất là trẻ em dưới 12 tuổi) thường bị mủn răng do Flo
lấy canxi của răng. Flo cũng có thể lấy canxi của xương làm cho xương bị xốp,
tạo ra các chỗ ròn xương, cốt hoá dây chằng và gân, làm xương bị ròn dễ gẫy.
Flo lấy canxi trong máu gây hội chứng co cứng cơ, suy tim mạch.
Hợp chất axít HF ở dạng khí, có thể bị hít vào phổi. Người
bị nhiễm HF sẽ bị đau xương ức, ho ra đờm hoặc ra máu, phù nề phổi. Những chỗ
tiếp xúc với HF có thể bị loét.
- Nguồn phát sinh: Trong tự nhiên, Flo (dạng muối Florua) có thể có trong đất
hay nước ngầm ở vùng khô hạn, thậm chí có thể xuất hiện ở các mỏ CaF2 . Trong
công, nông nghiệp, Florua xuất hiện trong quá trình sản xuất và sử dụng phốt
phát (phân lân).
Phòng tránh: Trong các khu vực khô hạn
của Việt Nam
(Phú Yên, Khánh Hoà) có những “vùng đất không nụ cười” do nước ngầm bị ô nhiễm
Flo nên phần đông dân cư bị mủn răng. ở các vùng này, giải pháp tốt nhất là xây
dựng hệ thống cấp nước dẫn từ nơi khác đến. Việc nước ăn quá thiếu Flo (dưới
2,0 phần triệu) khiến cho răng không tạo được men răng; răng thường bị mòn,
mủn. Do đó, các nhà sản xuất kem đánh răng thường pha thêm Florua để giúp răng
khoẻ hơn. Một vài loại nước khoáng giàu Florua cũng được khuyến khích sử dụng.
Tuy nhiên cả hai sản phẩm này không nên dùng ở những nơi nước ăn đã quá nhiều Flo.
Nước thải từ nhà máy phân lân hoặc các khu ruộng bón phân lân cũng thường giàu
Florua. Điều này cần lưu ý nếu nhân dân có thói quen dùng nước giếng nông vì
Florua có thể thấm xuống các bồn nước ngầm.